Theo O.A.P Estate
Steve Jobs là một trong những doanh nhân huyền thoại của thế kỷ 20 và có thể cả thế kỷ 21 này, là người đồng sáng lập, Tổng giám đốc điều hành (CEO) của hai hãng Apple và Pixar. Giống như trong nhiều câu chuyện kinh doanh khác ở Mỹ, Jobs khởi nghiệp từ gara ô tô: tại đó, chàng thanh niên 21 tuổi Steve và người bạn Steve Woznhiak đã cùng sáng lập Apple Computer Company. Loại máy tính cá nhân Apple I đã được thiết kế trong phòng ngủ của Jobs và sau đó được lắp ráp trong gara của anh. Sau khi bán thử thành công chiếc máy tính đầu tiên, một người buôn đồ điện tử trong thành phố đã đặt hàng 25 chiếc. Hai anh chàng lãi được 1300 USD từ vụ đó, và với số vốn này, được một cựu CEO của Intel khuyên bảo, Jobs và Woznhiak thành lập công ty Apple.
Ý tưởng và sáng chế
Ngay từ thuở học trong trường phổ thông, thầy giáo dạy môn điện tử đã nhận xét, Steve Jobs luôn có cách nhìn nhận sự việc khác với mọi người. Đến nay ông vẫn vậy. Phóng viên của The Rolling Stones đặt câu hỏi: ông nghĩ sao khi có người coi Apple chỉ là nơi chuyên về nghiên cứu và phát triển (Research & Development) phục vụ ngành công nghiệp máy tính; họ dè bỉu: Apple cứ sáng chế đi, nhưng rồi “cốc mò cò xơi”, người khác sẽ dựa vào đó mà làm giàu, trong khi thị phần khiêm tốn của Apple lại không tăng? Jobs trả lời, sáng chế- đó chính là thế mạnh của Apple, Apple kiếm được tiền nhờ sáng chế; các sản phẩm của hãng vẫn được công nhận rộng rãi trong ngành là được đổi mới nhanh nhất (the most innovative). Còn về thị phần, Apple chủ yếu hướng đến thị trường sáng chế chuyên nghiệp (creative- professional market) chứ không phải thị trường máy tính thông dụng, và trên thị trường của mình Apple chiếm thị phần khoảng 50-60%, thậm chí có nơi đến 90%.
Jobs cũng cho rằng, ông có trong tay một đội ngũ những cộng sự tài năng và giàu ý tưởng trong mọi việc- từ nắm bắt thị trường, thiết kế, sản xuất, ứng dụng…Không chỉ có vậy, Apple còn giỏi “đóng gói” tất cả những thứ đó vào một sản phẩm. Với đội ngũ như thế, Jobs tin tưởng: “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm ra những sản phẩm mới”.
Từ ý tưởng làm sao cho việc sử dụng máy tính được dễ dàng hơn, Jobs đã cho ra đời Macintosh, biến ý tưởng thành sản phẩm cụ thể. Đầu năm 2004, nhân dịp “đứa con” Macintosh của mình tròn 20 tuổi, Jobs nói: “Ngày nay còn rất ít sản phẩm mà được người sáng tạo ra nó đam mê như thế”. Và không chỉ thế, như tờ Newsweek viết, ngay cả đối với 20 triệu người sử dụng, Macintosh vẫn là nguồn cảm xúc đam mê.
Khi sản xuất ra máy tính iMac, một lần nữa Jobs lại cho thấy sức tưởng tượng và sự tinh nhạy của mình, những phẩm chất giúp ông trở thành tỷ phú và giúp sản phẩm của Apple được hàng triệu người ưa thích và tin dùng.
Ông nhìn ra những điểm hạn chế của các hệ thống khai báo (supscription) để tải nhạc về từ Internet, đồng thời nhận xét: các hãng kinh doanh nhạc lại không rành về công nghệ kỹ thuật số, nên đã nảy ra ý tưởng về iPod (máy lưu và nghe nhạc cầm gọn trong lòng bàn tay với dung lượng có thể chứa hàng nghìn bài hát) và sau đó là iTtunes Music Storage. Ông đã phải bỏ ra 18 tháng kiên trì, thậm chí có phần lì lợm để thuyết phục các hãng như Warner, Universal đồng ý hợp tác. Năm 2003, nhờ các công cụ nói trên, Apple bán được khoảng 20 triệu bản nhạc, nhưng ông nhắm đến cái đích xa hơn nhiều là 1 tỷ bản/năm.
Những lần đặt cược
Khi Steve Jobs cho ra mắt iPod năm 2001, những người hay hoài nghi đặt câu hỏi: ai thèm bỏ số tiền 399 USD ra mua một máy nghe nhạc với cái giá cao gấp đôi sản phẩm của đối thủ? Nhưng ông Jobs lại là người thắng cuộc: iPod trở thành sản phẩm nghe nhạc kỹ thuật số hàng đầu và là mặt hàng mốt trên thị trường. Vào cuối năm 2004, Apple lại tung ra iPod đời mới với nhiều chức năng hơn. Đây không phải là lần đầu tiên ông Jobs đặt cược lớn dựa trên dự cảm và thắng cược. Ông làm nên sự nghiệp từ những lần đặt cược như thế.
Khi thành lập hãng Apple năm 1976, Jobs đánh cược là sẽ xuất hiện thị trường máy tính rộng lớn, và đúng như thế. Năm 1984, ông chế tạo ra Macintosh dựa trên ý tưởng rằng nếu đem lại cho máy tính giao diện đồ hoạ được điều khiển bằng con chuột thì công dụng sẽ lớn hơn nhiều và ông đã đúng. Năm 1999, quyết định của Jobs cho ra đời loạt máy tính iMac thoạt đầu cũng bị cười nhạo, nhưng sau đó lại cho thấy vận may vẫn không rời Jobs. Năm 2003 Jobs có bước đi táo bạo khác. Ông tung ra iTunes Music Store (một chương trình lưu và nghe nhạc lúc đầu chỉ dùng cho iMac, sau đó dùng cho cả Windows) và dám nghĩ rằng có cách làm cho khách hàng trả tiền để tải các bài hát về thay vì ăn cắp chúng từ Internet. Chính ông cũng thừa nhận với tờ The Rolling Stones, quyết định sản xuất iTunes là một nước đi đầy mạo hiểm. Nhưng một lần nữa, dự cảm của ông về thị trường mới lại tỏ ra chính xác: hiện tại Apple bán hàng triệu bản nhạc mỗi tháng nhờ iTtunes.
Khi đầu tư vào Pixar, đây lại là một lần đặt cược đúng cửa nữa của Jobs: từ đó đến nay 5 phim do hãng sản xuất -“Toy Story”, “A Bug’s Life”, “Toy Story 2”, “Monsters, Inc” và “Finding Nemo” đã mang lại 2 tỷ USD doanh thu; mới đây bộ phim hoạt hình 3D “Finding Nemo” đã được ghi vào sách kỷ lục Guiness như một bộ phim hoạt hình đạt doanh thu cao nhất.
Nhưng liệu Jobs có mạo hiểm quá chăng trong lần đặt cược với Walt Disney? Trước sự ngỡ ngàng của Hollywood, Pixar tuyên bố không gia hạn hợp đồng đã kéo dài 7 năm với Walt Disney. Chia tay với chuột Micky có nghĩa là lợi nhuận của Pixar trong 2 năm tới sẽ giảm khá nhiều,vì Disney có cả một bộ máy tiếp thị và tiêu thụ toàn cầu, với mạng lưới rạp hát và truyền hình hùng mạnh, các công viên giải trí, các chương trình radio trẻ em và hệ thống bán lẻ. Đó là một hãng không có đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực giải trí gia đình. Nếu Pixar tự mình bỏ tiền sản xuất và bán phim thì sẽ đối mặt với một loạt khó khăn, thử thách phía trước.
Nhưng điều đó không làm bận tâm ông Jobs, ngược lại còn làm cuộc sống của ông dễ chịu hơn- ông vốn có xung khắc với Michael Ersner, Tổng giám đốc điều hành của Disney. Hơn nữa, với một danh sách phim đầu bảng trong tay, ông có thể gõ cửa bất kỳ xưởng phim nào ở Hollywood. Bên cạnh đó, các ông chủ lớn ở Hollywood vẫn muốn làm ăn lâu dài với Jobs. Một chủ nhà băng chuyên làm ăn trong lĩnh vực truyền thông nói, kinh nghiệm làm việc của ông Jobs với các chuyên gia lập trình máy tính sẽ giúp ông quản lý đội ngũ dưới quyền ở Pixar. Khó có chuyện các quản trị viên cao cấp, chuyên gia của Pixar sẽ rời bỏ công ty. Mặt khác, tờ New York Times đánh giá, việc Jobs muốn tách khỏi Walt Disney cho thấy ông là một thế lực lớn trong giới truyền thông kỹ thuật số (digital media). Bởi thế, như The Economist viết, gây hấn với Disney có thể là lần đặt cược mạo hiểm nhất của ông Jobs, nhưng chưa biết “mèo nào cắn mỉu nào”. Máu phiêu lưu vẫn chảy mạnh trong huyết quản Steve Jobs, nhưng ông biết dựa vào đâu mà phiêu lưu và lúc nào có thể phiêu lưu.
Theo O.A.P Estate
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét