“Tự nhủ rằng mình sẽ chết sớm là công cụ quan trọng nhất giúp tôi có được các lựa chọn lớn trong cuộc đời”, Steve Jobs, CEO hãng điện tử Mỹ Apple.
Bài phát biểu dài khoảng 4 trang A4 tại lễ trao học vị tại đại học Stanford năm 2005 của CEO Apple, ông Steve Jobs đã trở thành kim chỉ nam đối với nhiều thế hệ sinh viên Mỹ sau này. Bài phát biểu này thu hút không chỉ bởi người nói là CEO hãng điện tử nổi tiếng thế giới với các sản phẩm được vô số người dùng mong đợi như iPhone, iPod, iPad… mà còn bởi sự truyền cảm của ba câu chuyện của cuộc đời Steve Jobs rất chân thành và sâu sắc. Câu chuyện thứ nhất là về sự kết nối các dấu chấm hết. Câu chuyện thứ hai là về tình yêu và sự mất mát. Câu chuyện thứ ba mà ông Steve Jobs nói về mình là cảm giác của ông đứng trước ranh giới mong manh của sự sống và cái chết.
"Tin về cái chết của tôi là hoàn toàn bịa đặt", Steve Jobs phát biểu tại một lễ ra mắt sản phẩm mới của Apple. Năm 2008, cổ phiếu Apple từng bị phen điêu đứng vì tin đồn Steve Jobs chết
Câu chuyện thứ ba của tôi là về cái chết
Khi tôi 17 tuổi, tôi đọc được một câu trích dẫn đại loại là: “Nếu bạn sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng của mình, một ngày nào đó, chắc chắn nó sẽ đúng như vậy”.
Tôi rất ấn tượng với câu nói này và kể từ đó, trong suốt 33 năm qua, mỗi buổi sáng tôi nhìn vào gương và tự hỏi: “Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời mình, tôi có muốn làm những điều mà mình định làm hôm nay không?”
Và bất kỳ khi nào câu trả lời là “Không” trong quá nhiều ngày liên tiếp, tôi biết tôi cần phải thay đổi thứ gì đó.
Tự nhủ rằng mình sẽ chết sớm là công cụ quan trọng nhất giúp tôi có được các lựa chọn lớn trong cuộc đời. Bởi hầu hết mọi thứ - mọi kỳ vọng ngoại cảnh, tất cả niềm tự hào, tất cả nỗi sợ hãi thất bại hoặc xấu hổ - chẳng còn là gì khi đối mặt với cái chết, chỉ còn duy nhất cái gì thực sự quan trọng.
Nhớ rằng sẽ chết là cách tốt nhất tôi biết để tránh cạm bẫy nghĩ rằng mình có gì đó để mất. Một khi đã trần trụi, chẳng có lý do gì để không đi theo lời mách bảo của trái tim.
Khoảng một năm trước đây, tôi bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Tôi đã đi chụp chiếu lúc bảy giờ ba mươi sáng và nhìn thấy rõ ràng có một khối u trong tuyến tụy.
Tôi thậm chí còn chẳng biết tuyến tụy là gì. Các bác sĩ bảo tôi đây gần như chắc chắn là một loại ung thư không thể chữa được và tôi nên trông đợi được sống thêm quá ba đến sáu tháng. Bác sĩ của tôi khuyên tôi về nhà và thu xếp mọi công việc. Bác sĩ nói như thế có nghĩa là tôi chuẩn bị chờ chết rồi.
Có nghĩa là hãy cố nói với con cái mọi thứ bạn sẽ nói với chúng 10 năm tới chỉ trong vòng có một vài tháng. Điều đó có nghĩa phải đảm bảo mọi thứ được thu xếp để nó trở nên dễ dàng nhất có thể đối với gia đình bạn, hay có nghĩa là hãy nói những lời vĩnh biệt.
Tôi đã sống với chẩn đoán đó suốt cả ngày. Chiều đó, tôi làm sinh thiết – các bác sĩ đưa ống nội soi vào cổ họng tôi, thọc xuống dạ dày, ruột non và dùng kim châm vào tuyến tụy để lấy một ít tế bào từ khối u đó. Vợ tôi ở bên tôi nói rằng khi xem các tế bào dưới kính hiển vi, các bác sĩ đã bật thốt lên vì đó là một dạng ung thư tuyến tụy rất hiếm và có thể chữa trị được bằng phẫu thuật.
Tôi đã phẫu thuật và giờ khỏe mạnh. Đó là lần tôi đối mặt với cái chết sát nút nhất, và tôi hy vọng lần gần nhất tôi đối mặt với cái chết phải thêm vài thập kỷ nữa.
Có trải qua điều đó, đến nay tôi có thể nói với các bạn một điều chắc chắn hơn rằng khi nào là một cái chết có ích chứ không chỉ là một khái niệm tinh thần: Không ai muốn chết cả. Thậm chí những người muốn lên thiên đường cũng không muốn chết để đến đó.
Nhưng cái chết là điểm đến mà tất cả chúng ta đều cùng chia sẻ. Không ai từng thoát khỏi nó, và đó là điều phải diễn ra bởi cái Chết có lẽ là phát minh duy nhất tuyệt vời nhất của cuộc Sống. Nó là tác nhân thay đổi cuộc sống. Nó loại bỏ những gì già cỗi để mở đường cho cái mới.
Bây giờ với bạn là trẻ, nhưng một ngày nào đó không quá xa, bạn sẽ dần trở nên già cỗi và bị loại bỏ. Xin lỗi vì tôi đã nói đến một điều quá bi đát nhưng thực sự là như vậy.
Thời gian của các bạn có giới hạn cho nên đừng lãng phí nó bằng cách sống một cuộc sống của ai đó. Đừng để bị rơi vào bẫy của sự giáo điều – tức sống với bằng những kết quả từ suy nghĩ của người khác. Đừng để ý kiến huyên náo của người khác nhấn chìm giọng nói của chính mình. Và quan trọng nhất, hãy can đảm đi theo trái tim và trực giác của bạn. Bằng cách nào đó chúng đã biết bạn muốn thực sự trở thành như thế nào. Mọi thứ khác chỉ là thứ yếu.
Khi còn trẻ, tôi có dịp tiếp cận với một ấn phẩm tuyệt vời mang tên Cẩm nang toàn bộ thế giới, một trong những cuốn kinh thánh của thế hệ chúng tôi. Cuốn sách này do Stewart Brand viết với đầy chất thơ. Ông là một nghiên cứu sinh ở Menlo Park, cách đây không xa. Đó là vào cuối những năm 1960, trước khi có xuất bản bằng máy tính vi tính nên tất cả đều được làm bằng máy chữ, kéo và máy ảnh polaroid. Nó giống như một trang Google trên giấy vậy, 35 năm trước khi có Google: rất lý tưởng, tràn ngập các công cụ tinh tế và ý tưởng lớn lao.
Stewart và nhóm của ông đã đưa ra một số vấn đề của cuốn Cẩm nang sau khi đã chạy thử vài số, họ đã cho ra một phiên bản cuối cùng. Đó là vào giữa những năm 1970, khi tôi ở lứa tuổi các bạn.
Trên bìa cuối của cuốn Cẩm nang phiên bản cuối cùng có bức hình một con đường nông thôn lúc buổi bình minh, gợi cho bạn cảm giác muốn dấn thân nếu bạn là người ưa mạo hiểm.
Phía dưới bức hình có những từ như sau: “Hãy khao khát. Hãy cứ dại khờ”. Đó cũng là thông điệp tạm biệt khi họ kết thúc cuốn Cẩm nang.
Hãy khao khát.
Hãy cứ dại khờ.
Và tôi luôn luôn ước điều đó cho bản thân.
Bây giờ, khi các bạn tốt nghiệp và bắt đầu một khởi đầu mới, tôi mong muốn điều đó đối với các bạn.
Hãy luôn khao khát. Hãy luôn dại khờ.
Cám ơn. Theo O.A.P Estate
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét