Thứ Năm, 23 tháng 12, 2010

Những phát ngôn hớ hênh của doanh nhân nổi tiếng

Theo O.A.P Estate


Một câu nói hớ của CEO cũng có thể khiến cho sự nghiệp của họ lao đao. Dưới đây là top 10 câu nói hớ hênh nhất do Newsweek bình chọn.

1. CEO Steve Ballmer của Microsoft

Steve Ballmer
CEO Steve Ballmer của Microsoft. Ảnh: worthytips.com
Năm 2004, khi Mark Lukovsky nói với Steve Ballmer rằng anh sẽ chuyển đến làm việc cho Google, Ballmer đã rất tức giận. Theo như lời Lukovsky thì Ballmer đã ném ghế, đập tay vào bàn và nói: “Eric Schmidt (CEO của Google) là một kẻ chết tiệt. Tôi sẽ chôn sống gã đó. Tôi đã làm một lần rồi, và tôi không ngại làm lần thứ hai đâu. Tôi phải chôn sống Google”. Dù sau đó, Ballmer đã phân bua với dư luận rằng Lukovsky chỉ “phóng đại” sự việc lên mà thôi, nhưng rõ ràng là cái việc “chôn sống” Google vẫn chưa thể thành hiện thực và doanh thu của Google hiện còn gấp 8 lần so với năm 2004.

2. Chủ tịch kiêm Ceo của General Motors - Rick Wagoner

Năm 2008, ở Dallas, khi được hỏi nguyên do tại sao GM không nhảy vào phân khúc xe tiết kiệm năng lượng, Wagoner đã trả lời rằng: “Chúng tôi chỉ sản xuất loại xe mà mọi người muốn mua”. Nhưng sau đó, giá gas tăng vọt và các hãng ô tô như GM bị sụt giảm doanh số nặng nề. Lẽ dĩ nhiên là sau đó, GM đã phải thay đổi, họ tăng cường sản xuất thêm nhiều ô tô tiết kiệm xăng, hoặc ô tô dùng các loại nhiên liệu khác như nhiên liệu sinh học, pin và khí hydro.

3. CEO Scott Ford của Alltel

Năm 2008, CEO Scott Ford của hãng viễn thông di động Alltel đã nói rằng ông sẽ quyết định bán công ty của mình cho Verizon Communications với giá 28,1 tỉ USD. Nhưng đối với những người không thích chuyện này, như các cổ đông chẳng hạn, ông lại bảo rằng: “Làm gì có chuyện ấy!”. Một lần khác, trong cùng một bài phát biểu, ông thừa nhận sẽ có khoảng 1.500 công nhân địa phương có thể bị sa thải vì doanh số thấp. Trong khi trước đó, ông lại bảo công ty đang làm ăn rất tốt.

4. CEO Eric Schmidt của Google

Eric Schmidt thỉnh thoảng lại lỡ miệng tiết lộ một số điều không nên nói ra về Web và quyền riêng tư. Đầu năm nay, trong một cuộc họp với The Atlantic, ông nói rằng: “Nếu bạn cho phép, bạn có thể đưa cho chúng tôi nhiều thông tin hơn về bạn và bạn bè của bạn để chúng tôi có thể cải thiện chất lượng tìm kiếm của mình. Bạn không cần phải gõ tất cả ra đâu, vì chúng tôi biết bạn đang ở đâu, bạn đã từng ở đâu. Và ít nhiều chúng tôi cũng có thể biết được bạn đang nghĩ gì”.

5. CEO Tony Hayward của BP

Tony Hayward
CEO mới bị BP sa thải, Tony Hayward. Ảnh: treehugger.com
Để giảm nhẹ mức độ quan trọng của thảm kịch tràn dầu, Hayward đã nói: “Vịnh Mexico là một đại dương rất lớn, và lượng dầu tràn của chúng tôi chỉ chiếm một phần nhỏ xíu trong đó mà thôi”. Nhưng có vẻ từ “nhỏ xíu” không được thích hợp cho lắm đối với sự cố tràn dầu lớn nhất lịch sử này, và dĩ nhiên nó cũng chẳng thể cứu vãn nổi sự nghiệp của Tony Hayward. Sau đó, Hayward không còn là CEO của BP nữa, nhưng dù sao ông cũng được an ủi bằng khoản lương hưu 930.000 USD mỗi năm.

6. CEO Peter Chernin của NewsCorp

Năm 2006, CEO Peter Chernin của News Corp khẳng định rằng MySpace, thuộc quyền sở hữu của News Corp, sẽ mang đến lượng traffic chính cho các website của thế hệ Web 2.0 như Youtube và Flickr. Ông nói: “Nếu bạn nhìn vào các ứng dụng Web 2.0, dù là Youtube, Flickr, Photobucket hay bất kì ứng dụng của thế hệ web sau này, bạn sẽ thấy chúng chỉ đi sau MySpace mà thôi”. Chernin cho rằng việc đó đơn giản là vì MySpace đã tạo ra lượng traffic lớn cho các website đó, nó là trung tâm của Web 2.0 và có thể tự tạo ra việc kinh doanh cho mình như ứng dụng chơi video của Youtube, và sẽ hút hết lượng traffic của Youtube. Giới công nghệ bình luận về những phát biểu của Chernin là “ngông cuồng”. Sau đó, ông đã phải rời News Corp, MySpace thì tiếp tục thua lỗ và theo như lời tuyên bố vào tháng 11 vừa rồi của COO của tập đoàn này thì MySpace sẽ được họ đem rao bán.

7. Chủ tịch kiêm CEO Satoru Iwata của Nintendo

6 năm là đã được coi là rất dài đối với các ngành kinh doanh qua mạng. Nhưng kể cả như vậy, thì câu nói của Satoru Iwata năm 2004 về game online cũng rất khó chấp nhận: “Khách hàng không thích game online”. Bằng chứng mà ông đưa ra là doanh số game online tăng trưởng quá chậm so với các game offline nổi tiếng thời đó. Nhưng ngày nay, các game online tên tuổi như Halo của Microsoft hay World of Warcraft của Blizzard, cũng như game trên Facebook đang có doanh thu khổng lồ. Rõ ràng là những nhận định của Iwata chẳng đúng tí nào.

8. CEO Mark Zuckerberg của Facebook

Mark Zuckerberg có lẽ sẽ phải nguyền rủa trí nhớ vĩnh cửu của Internet trong trường hợp này. Tháng 5/2010, Business Insider đã lục ra được một tin nhắn mà Zuckerberg đã viết khi website của anh đạt được 4000 thành viên: “Đúng, nếu bạn muốn biết thông tin về bất kì ai trong Harvard, cứ hỏi tôi. Tôi có hơn 4000 địa chỉ email, ảnh, địa chỉ nhà,.. Mọi người thông báo hết cho tôi mà. Tôi chẳng biết tại sao nữa, họ tin tôi mà”. Business Insider cho biết tin nhắn này đến từ một nguồn vô danh. Sau đó, Facebook đáp trả lại bằng cách nhấn mạnh cam kết của họ về quyền riêng tư. Nhưng một vài nhà quan sát đã hé lộ nhiều bằng chứng cho thấy Facebook đang thu lợi từ việc khai thác thông tin cá nhân của người sử dụng.

9. CEO Michael Lynton của Sony Pictures Entertainment

Theo tờ Women’s Wear Daily, trong khi đang tham dự một bữa sáng tại New York năm 2009, Lynton đã nói: “Tôi chẳng thấy được cái gì tốt đẹp từ Internet cả”. Ông đã rất giận dữ với việc các tài sản trí tuệ của công ty mình bị ăn cắp rồi đưa lên mạng. Ông lý luận rằng Internet đã “tạo ra suy nghĩ là ai cũng có thể làm bất kì điều gì vào bất cứ lúc nào”. Thật khó tưởng tượng làm sao mà Lynton có thể nghĩ rằng hoàn toàn không có gì tốt đẹp đến từ Internet khi chỉ dựa vào những lý do như vậy.

10. CEO Bobby Kotick của Activision

Các CEO có thói quen đưa ra các dự báo lạc quan và vẽ ra bức tranh rực rỡ về công ty mình. Nhưng những điều mà Bobby Kotick – CEO của Activision – người khổng lồ về video game nói thì lại ngược lại. Tháng 9/2009, Kotick mô tả về văn hóa của Activison trong một buổi hội thảo công nghệ như sau: Mục tiêu của ông là làm thấm nhuần “sự nghi ngờ, bi quan và nỗi sợ hãi” vào các nhân viên của mình để họ có động lực làm việc khi nền kinh tế đi xuống. Ông giải thích rằng ý tưởng này là “để tách việc đùa cợt ra khỏi công việc”. Điều này nghe có vẻ quái lạ đối với một công ty muốn thu hút các nhân tài bậc nhất của ngành công nghiệp. Tuy nhiên, với sự thành công trong việc nhượng quyền kinh doanh hai game online đình đám là Call of Duty và World of Warcraft, thì có vẻ ý tưởng của Kotick cũng không phải là không có lý.

Theo O.A.P Estate

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét