Theo O.A.P Estate
Masayoshi Son - người giàu nhất nước Nhật - (Ảnh: Business Goldsea) |
Tuy phong cách làm ăn khác nhau, nhưng điểm chung của những nhân vật lọt vào top 10 người giàu nhất xứ sở hoa anh đào có lẽ là phương châm làm việc luôn sẵn sàng đương đầu với thử thách và không bao giờ sợ thất bại.
Masayoshi Son: "Chúng ta không điều khiển mọi thứ mà chỉ có thể gây tác động đến chúng"Sau những quyết định kinh doanh táo bạo, Masayoshi Son, Giám đốc điều hành của công ty phân phối phần mềm Softbank đã trở thành người giàu nhất nước Nhật. Tài sản ông nắm trong tay lên đến 7 tỉ USD. Từ nhỏ, Son đã rất ham thích kinh doanh. Son đến Mỹ theo học khoa kinh tế ở Đại học California và chính nơi đây "máu" kinh doanh của Son đã bộc lộ rõ. Khi bắt gặp một bài báo tâm đắc viết về câu chuyện kinh doanh ly kỳ về vi mạch xử lý, Son cẩn thận cắt bài báo và luôn mang theo nó bên mình bất kể ở đâu, thậm chí là khi đi ngủ. Cho rằng cách duy nhất làm giàu là nghĩ ra cái gì đó mà thiên hạ sẵn sàng trả tiền cho nó, Son đã bán các ý tưởng kinh doanh độc đáo của mình cho các hãng lớn và kiếm được khá nhiều tiền. Năm 1981, tốt nghiệp đại học ở tuổi 23, Son dùng 80.000 USD - vừa là tiền dành dụm vừa là tiền vay từ ngân hàng - để mở công ty phân phối phần mềm Softbank ở Nhật. Softbank không ngừng ăn nên làm ra trong 10 năm liên tục với 570 nhân viên và lợi nhuận mỗi năm lên đến 350 triệu USD. Bí quyết kinh doanh của Son là "chúng ta không điều khiển mọi thứ mà chỉ có thể tác động đến chúng".
Hiroshi Mikitani: Chấp nhận thử thách có thể làm bạn trở thành người hùng
Đứng ở vị trí thứ 6 trong top 10 với tài sản 4,5 tỉ USD, đằng sau thành công của nhà sáng lập mạng lưới cửa hàng trực tuyến Rakuten ở Nhật là một câu chuyện dài về kinh nghiệm thương trường. Mikitani năm nay 41 tuổi, từng nói rằng bẩm sinh ông không phải là một doanh nhân giỏi. Thật vậy, không phải dễ gì mà ở tuổi 33, Mikitani đã trở thành chủ tịch và nhà sáng lập của Công ty tư vấn Crimson Group và Công ty bán hàng trực tuyến MDM. Thạc sĩ quản trị kinh doanh ở Đại học Havard (Mỹ) Mikitani về nước và đưa ra quyết định mạo hiểm: cho ra đời Công ty bán hàng trực tuyến MDM vào năm 1996 chỉ với 2 nhân viên. Thời đó, mạng Internet còn xa lạ với dân Nhật trong khi ở Mỹ mỗi ngày hàng loạt công ty bán hàng qua mạng ra đời. Một năm sau, lượng quảng cáo trên MDM đã tăng vọt từ 21 lên 180 mẫu. MDM trở thành một trong những trang web bán hàng được truy cập nhiều nhất tại Nhật. Với Mikitani, "không có ngày nào trôi qua mà không có sai lầm, nhưng điều quan trọng là học từ những sai lầm đó và không bao giờ phạm phải những sai lầm tương tự trong tương lai".
Tadashi Yanai: "9 thất bại = 1 thành công"
2006 lại là một năm làm ăn khấm khá nữa của Công ty Fast-Retailing khi ông chủ Tadashi Yanai, 57 tuổi, đã nâng số tài sản của mình lên thành 4,4 tỉ USD - trở thành người giàu thứ 7 ở Nhật. Fast-Retailing, với chuỗi các cửa hàng Uniqlo đã trở thành một hệ thống chuyên bán quần áo may sẵn phát triển nhanh chóng chủ yếu là nhờ kinh doanh theo phong cách riêng của nó: hàng chất lượng, giá cả cạnh tranh. Tốt nghiệp Đại học Waseda danh tiếng tại Tokyo vào năm 1971 với tấm bằng khoa học chính trị nhưng Yanai lại nổi bật trong vai trò một doanh nhân thành đạt. Fast-Retailing thực ra là công ty của gia đình Yanai với chỉ một cửa hàng nhỏ bán quần áo tại Yamaguchi, một vùng quê hẻo lánh ở Nhật. Yanai đã biến công ty bé tẹo này thành một mạng lưới với hơn 700 cửa hàng trong và ngoài nước. Yanai cho rằng "quản lý kinh doanh là một chuỗi những trải nghiệm của thử thách và sai lầm nhưng những sai lầm ấy chính là hạt giống của thành công". Ông đã bộc bạch như vậy trong cuốn sách có tựa đề 9 thất bại bằng 1 thành công: triết lý quản lý của Uniqlo.
Theo O.A.P Estate
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét