Thứ Tư, 22 tháng 12, 2010

Bernard Arnault ông vua hàng xa xỉ

#8 Eike Batista
Đ ầu tháng 11.2010, Bernard Arnault, ông chủ của tập đoàn hàng xa xỉ lớn nhất thế giới Moët Hennessy Louis Vuitton (LVMH), đã bắt đầu chuyến đi 7 ngày đến 6 thành phố châu Á. Đó là một phần trong chiến lược phát triển các thị trường mới nổi của Arnault.
Đích ngắm mới nhất của ông là các nước Trung Á, vốn còn xa lạ với túi xách hiệu Fendi và nước hoa Guerlain. Năm ngoái, LVMH đã mở một cửa hàng tại thành phố Ulaanbaatar của Mông Cổ. Cách đây vài tuần, Tập đoàn cũng đã khai trương cửa hàng tại Hohhot, thuộc Khu Tự trị Nội Mông Cổ. “Tôi luôn muốn đi trước đón đầu”, ông nói.
Thực vậy, Arnault luôn là người đi đầu trong các cuộc chơi. Từ khi thâu tóm LVMH vào năm 1990, ông đã bắt đầu cuộc thập tự chinh đến các nước đang phát triển như Ấn Độ và Trung Quốc, nơi cửa hàng Louis Vuitton đầu tiên được khai trương vào năm 1992. Và nay, ông nhắm đến các vùng đất xa xôi hơn của quả địa cầu. LVMH hiện có mặt ở TP.HCM (Việt Nam), Phnom Penh (Campuchia), Yekaterinburg (Nga), Macao và Abu Dhabi. “Kinh tế thế giới đang được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng của châu Á và các nền kinh tế mới nổi khác”, Arnault nói.
Sự sẵn sàng dấn thân vào các vùng đất mới đã đem đến kết quả kinh doanh rất khả quan. Trong 9 tháng đầu năm 2010, LVMH đã đạt doanh thu 14,2 tỉ euro (19,9 tỉ USD), tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Cổ phiếu của LVMH đã tăng 60% trong 12 tháng qua, đưa giá trị tài sản ròng của Arnault lên mức 39 tỉ USD.
Lột xác LVMH
LVMH ngày nay là tập đoàn hàng xa xỉ lớn nhất thế giới, tạo dấu ấn với lối thiết kế sáng tạo, phá cách, trái với hình ảnh già cỗi và vô vị của 20 năm về trước. Và người đã lột xác LVMH chính là Arnault.
Khi lên nắm quyền tại LVMH vào năm 1990, ông đã thay đổi hình ảnh của các nhãn hàng theo hướng sáng tạo, ấn tượng và hiện đại. Ông cho mời nhà thiết kế thời trang người Mỹ Marc Jacobs về làm việc và hợp tác với các họa sĩ đương đại danh tiếng như Takashi Murakami. Họa sĩ người Nhật này đã vẽ lại logo màu nâu nhạt của nhãn hàng Louis Vuitton theo những tông màu sáng với hình ảnh các nhân vật hoạt hình, manga (truyện tranh Nhật). Arnault cũng thuê John Galliano, một nhà thiết kế nổi tiếng về những sáng tạo khác người, để cải tiến hình ảnh của nhãn hàng thời trang Christian Dior.
Arnault tin rằng, sự sáng tạo là chìa khóa dẫn đến thành công của một thương hiệu thời trang và để khơi nguồn sáng tạo, doanh nghiệp phải có những nhà quản lý có sự hiểu biết và niềm yêu thích đối với các họa sĩ. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Harvard Business Review vào tháng 10.2001, Arnault từng nói: “Nếu bạn yêu mến những gì mà những bộ óc sáng tạo làm ra và hiểu được cách họ suy nghĩ thì bạn sẽ có thể nhìn thấu tâm can họ”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét